Quy trình Kỹ thuật trồng Đước

Quy trình Kỹ thuật trồng Đước

Rhizophora apicuttata B.L

Chương I

Điều khoản chung

Điều 1:Quy trình này quy định các biện pháp kỹ thuật từ thu hái giống đến các khâu trồng, nuôi dưỡng bảo vệ rừng nhằm giữ đất, lấn biển, ngăn sóng, gió bảo vệ môi trường ven biển.

Điều 2: Quy trình này được áp dụng chủ yếu cho các vùng bãi, bồi ven biển thuộc các tỉnh Nam Bộ. Các nơi khác có điều kiện lập địa tương tự vẫn có thể áp dụng.

Chương II

Điều kiện gây trồng

Điều 3: Đất để trồng

3.1. Đất trồng rừng phải là đất phù sa ngập mặn thuộc loại pha sét, có cát. Đã bồi tụ tương đối ổn định, bùn bắt đầu chặt chân, đi lún sâu từ 5-30cm. Đất bị ngập mặn bởi thuỷ triều trung bình, thời gian ngập từ khoảng 6-8 giờ/ngày.

3.2. Đối với những khu đất còn đang bồi tụ mạnh, bùn còn lỏng, bị ngập bởi thuỷ triều thấp thì chỉ được trồng Đước khi xuất hiện quần thụ mấm. Khi đó Đước phải trồng bên trong đai rừng mấm có chiều rộng từ 50-100m.

Điều 4:Không được trồng Đước ở nơi đất đã bồi tụ cao, đất trở nên sét cứng và chỉ bị ngập khi thuỷ triều cao với thực bì chủ yếu ở đó là cỏ nước mặn, ráng, giá, chà là.

Chương III

Chuẩn bị đất và đào kênh mương

  1. Đối với đất bồi tụ đã tương đối ổn định

Điều 5: Xử lý thực bì

Phải chặt hết toàn bộ các cây tạp trên đất để trồng Đước, chỉ chừa lại vành đai dọc theo hai bên bờ sông với chiều rộng 10-20m, và dọc thoe bờ biển với chiều rộng 50-100m. Việc xử lý thực bì phải thực hiện trong mùa khô, dọn sạch và đốt cháy toàn bộ chà bồi trước khi trồng.

Điều 6: Đào kênh mương

– Phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kênh, mương ngay trong năm trồng rừng hoặc chậm nhất là dầu năm sau.

– Trong mồi tiểu khu phải có kênh rạch với kích thước: rộng 3-5m, sâu 1,5-2m, chiều rộng đáy từ 2-3,5m theo chiều dài của địa hình tự nhiên.

– Kênh rạch đào cự ly cách nhau 1km. Đất đào lên đổ lên một bên bờ kênh phía trên dòng chảy của thuỷ triều dâng lên.

– Kênh luồng sẽ đào vào thời ký khai thác gỗ. Kích thước rộng 1,5-2m, sâu 0,8-1m, đáy 0,8-1,2m chiều dài tuỳ theo địa hình tự nhiên. Kênh luồng đào cách nhau 250m. Đất đào lên đổ thành đống xen kẽ hai bên bờ kênh, chiều dài mỗi đống đất cách nhau không quá 20m.

  1. Đối với đất bồi tụ còn bùn lỏng

Điều 7:Vẫn tiến hành trồng Đước như quy định ở mục 3.2, việc đào kênh mương sẽ thực hiện khi đất được bồi tụ ổn định .

Chương IV

Chọn giống và bảo quản

Điều 8: Chọn rừng cây mẹ để lấy giống

Phải lấy giống ở những khu rừng Đước có tuổi >10 năm, đường kính cây >8cm, chiều cao cây >12cm. Cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh.

Điều 9: Thời vụ lấy giống

Trái Đước chín từ tháng 7-11 nhưng chỉ được thu vớt trái làm giống trong những tháng 7,8,9 (vì sâu hại trái Đước thường xuất hiện trong tháng 10,11).

Điều 10:Trái Đước được chọn làm giống phải còn nguyên vẹn, không bị sâu, không bị xây sát, hư thối, chiều đài tối thiểu 22cm. Vì trái chín rơi từ cây mẹ xuống và trôi nổi theo dòng nước, do vậy dùng vợt hoặc lưới để vớt trái đưa vào xuồng, ghe.

– Chọn những quả không có chấm đen ở bên ngoài vỏ và có vòng nhẫn rõ rệt từ 1,5-2cm là quả đã chín tốt để làm giống (có chấm đen ở ngào vỏ là có sâu ở bên trong).

– Trái đem về bó thành từng bó 3-5kg để nơi râm mát, có nước chảy.

Điều 11: Bảo quản trái Đước

– Tốt nhất là thu vớt được và trồng ngay, nếu phải vận chuyển đến nơi xa hơn thì cũng không để quá 15 ngày kể từ khi thu vớt trái đến khi trồng hết.

– Quá trình vận chuyển hàng ngày phải tưới nước mặn từ 4-6 lần để giữ ẩm và chống nóng khi vận chuyển trên đường.

– Khi vận chuyển đến nơi tập trung thì phải đưa vào nơi bảo quản và rải thành lớp có chiều dày khoảng 20cm và có nước mặn lên xuống hành ngày.

Chương V

Trồng rừng

Điều 12: Thời vụ trồng

Phải tiến hành trồng rừng vào tháng 7 và kết thúc vào tháng 9 dương lịch hàng năm.

Điều 13: Mật độ trồng

– Bình thường phải trồng 10.000 cây/ha, cự ly 1x1m.

– Nơi nào có đủ nguồn trái giống và khả năng tiêu thụ về sản phẩm tỉa thưa thì cho phép trồng mật độ 20.000 cây/ha cự ly 0,7×0,7m.

Điều 14: Kỹ thuật trồng

– Dùng cây sậy là cọc cắm tiêu để ngắm cho thẳng hàng sau đó dùng những trái đã được lựa chọn kỹ để trồng theo cự ly đã quy định.

– Cắm phần đuôi của trái xuống, phần cuống lên trên. Nơi đất bồi tụ ổn định thì cắm sâu 1/3 chiều dài trái. Nơi bùn lỏng thì cắm sâu 1/2 chiều dài trái.

Điều 15: Nghiệm thu trồng rừng

Sau khi trồng hai tháng phải tiến hành nghiệm thu tỷ lệ sống để có kế hoạch trồng dặm. Nếu tỷ lệ cây chết <15% mà phân bố đều thì không phải trồng dặm. Nếu tỷ lệ cây chết >15% phải trồng dặm. Tỷ lệ cây chết >50% phải thanh lý và trồng lại.

Chương VI

Nuôi dưỡng và bảo vệ rừng

  1. Bảo vệ rừng

Điều 16:Không được đánh bắt thuỷ sản trong rừng Đước mới trồng dưới 3 năm. Cấm dùng ghe, xuồng đi lướt trên diện tích rừng non vào lúc nước lớn.

Điều 17:Không được đắp đất thành gờ ngăn dòng chảy trong rừng Đước để nuôi tôm, bắt hải sản hoặc sản xuất kết hợp.

Điều 18:Rừng trồng thường bị sâu phá hoại, phải theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời. Tuỳ theo loài sâu và mức độ thiệt hại mà sử dụng các loại thuốc trừ sâu hiện có bán ở các địa phương theo chỉ dẫn cụ thể.

  1. Tỉa thưa nuôi dưỡng rừng

Điều 19:Sau khi rừng trồng khép tán (5 đến 6 năm) chậm nhất là 6 năm phải tiến hành tỉa thưa, thời gian và luân kỳ tỉa thưa được quy định như sau:

  1. Đối với rừng trồng mật độ ban đầu là 10.000cây/ha

Lần tỉa thưa

Tuổi

Đường kính bình quân (cm)

Chiều cao bình quân (m)

Số cây chừa lại (cây/ha)

1

6

4-5

6-7

5.000

2

14-16

11-13

15-16

3.000

3

22-24

15-17

20-22

850

  1. Đối với rừng trồng mật độ ban đầu là 20.000cây/ha

Lần tỉa thưa

Tuổi

Đường kính bình quân (cm)

Chiều cao bình quân (m)

Số cây chừa lại (cây/ha)

1

5

3-4

5-6

10.000

2

11-13

7-9

10-12

5.000

3

15-19

12-14

17-19

2.500

4

23-25

15-17

20-22

810

Điều 20:Tuỳ theo trạng thái rừng trồng mà áp dụng một trong hai phương thức chặt tỉa sau đây:

    1. Đối với rừng trồng thẳng hàng, cự ly tương đối đồng đều, cây sinh trưởng khá đều thì áp dụng phương pháp tỉa thưa cơ giới: chặt một hàng chừa một hàng. Số lượng cây chừa theo như quy định ở điều 19.
    2. Đối với rừng trồng không đúng hàng lối cây sinh trưởng không đồng đều thì dùng phương pháp tỉa thưa theo kiểu chọn.

Dùng phương pháp tỉa chọn phải đảm bảo được 3 yêu cầu sau đây:

  1. Tạo điều kiện cho tán của cây Đước được chọn để nuôi dưỡng đén tuổi khai thác chính luôn có đủ khoảng không gian dinh dưỡng.
  2. Cự lý cây chừa không vượt quá 3 lần cự ly bình quân tính theo mật độ trước khi tỉa.
  3. Không tỉa 3 đến 4 cây liền nhau trong 1 lần tỉa.

Tiêu chuẩn cây chừa:

– Cây khoẻ mạnh sinh trưởng tốt, thân thẳng, không phân cành sớm. Trường hợp cây chừa có hai thân thì phải tỉa thân xấu chừa lại thân tốt.

– Cây dự định giữ lại cho đến tuổi khai thác chính.

Điều 21:Thực hiện bài cây trước khi chặt tỉa. Cây hoặc hàng cần chặt phải được đánh dấu bằng sơn màu để dễ thấy. Cán bộ hướng dẫn và công nhân thực hiện bài cây, tỉa cây, phải được huấn luyện về kỹ thuật và được thực hiện rại hiện trường.

Điều 22:Cây tỉa phải được chặt sát rễ cà khêu và phải dọn cành nhánh gom lại thành từng luống xuôi theo chiều với hướng sóng đánh vào.

Chương VII

Điều khoản thi hành

Điều 23:Tất cả các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng Đước tại các địa phương có trách nhiệm thực hiện quy định này.

Điều 24:Quy trình này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy phạm này đều được bãi bỏ.

Điều 25:Cục Phát triển Lâm nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Kiểm lâm Nhân dân và các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quy trình này.

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]