Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà – Tp. Đà Nẵng

Phạm Thị Kim Thoa

Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng

TÓM TẮT

Phương pháp thực hành nghiên cứu phân tích định lượng về tính đa dạng sinh học nhằm để xác định các chỉ số: chỉ số Shannon (H), chỉ số quan trọng (IVI), chỉ số mức độ chiếm ưu thế hay còn gọi là chỉ số Simpson (Cd), chỉ số tương đồng hay chỉ số Sorensen (SI). Khi giá trị của các chỉ số cao nghĩa là tính đa dạng cao tương ứng với giá trị sinh học cao. Đây là phương pháp nghiên cứu hết sức cần thiết nhằm tạo cơ sở dữ liệu cho các giải pháp bảo tồn, hoạch định chính sách và kế hoạch sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Lần đầu tiên áp dụng phương pháp này để đánh giá tính đa dạng sinh học cho thực vật thân gỗ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà – thành phố Đà Nẵng. Kết quả điều tra, khảo sát ở 12 ô tiêu chuẩn ghi nhận được 96 loài thực vật thân gỗ trên các sinh cảnh khác nhau: rừng tự nhiên, rừng tự nhiên Chò chỉ, rừng trồng, trảng cỏ, rừng tự nhiên nghèo kiệt và đất trống. Chỉ số quan trọng (IVI) cho thấy một trật tự ưu thế trong quần thể thực vật nghiên cứu, trong đó loài Chò chỉ (Parashorea stellata Kurz) có ưu thế cao nhất (IVI = 35,38) và sự biến động cá thể khá rõ rệt trong các sinh cảnh nghiên cứu. Chỉ số Shannon (H)khá cao, dao động từ 1,62 đến 4,76 (rừng tự nhiên, rừng tự nhiên Chò chỉ từ 3,61 đến 4,76, rừng trồng từ 1,86 đến 2,60, trảng cỏ 1,62, rừng tự nhiên nghèo kiệt 1,97 và đất trống từ 2,62 đến 2,82. Chỉ số Cd thay đổi từ 0,051 đến 0,499 cho thấy mức độ đa dạng sinh học của các quần xã đang có chiều hướng giảm xuống. Giá trị chỉ số SI của thảm thực vật thân gỗ giữa các hiện trường nghiên cứu dao động từ 0,04 đến 0,50 thể hiện một sự khác biệt rất lớn về thành phần loài nghiên cứu ở các hiện trường này. Như vậy đa dạng sinh học Khu BTTN Sơn Trà là khá cao và đang bị tác động bởi môi trường và các hoạt động phát triển vì vậy trong thời gian tới cần có các biện pháp bảo tồn phù hợp.

Từ khóa: Chỉ số đa dạng sinh học, Thực vật thân gỗ.

Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 3 năm 2012, trang 2301-2309

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]