Nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý, sinh thái một số loài cây lá rộng bản địa làm cơ sở cho việc gây trồng rừng

Hà Thị Mừng

Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng

TÓM TẮT

Dẻ đỏ và Kháo vàng thường phân bố ở những nơi có độ cao 200-500m, độ dốc 10-250, lượng mưa 1.292 – 2.749 mm/năm, nhiệt độ trung bình năm 21,2-23,40C, đất Feralit nâu vàng hoặc nâu sẫm phát triển trên đá sa phiến thạch, đất chua, hàm lượng các chất dinh dưỡng từ nghèo đến giàu. Giá trị IVI của Dẻ đỏ trong các lâm phần nghiên cứu là 3,2 – 6,49/300, của Kháo vàng là 4,9 – 10,33/300.

Tỷ lệ che sáng thích hợp cho Dẻ đỏ giai đoạn 1 năm tuổi là 75%, giai đoạn 2 năm tuổi là 50%, và giai đoạn 3 năm tuổi là25%. Lượng N, P và K thích hợp nhất cho sinh trưởng của Dẻ đỏ giai đoạn 1 tuổi là 38,17 mgN/kg + 76,33 mgP2O5/kg + 22,90 mgK2O/kg đất bầu, giai đoạn 2 tuổi là 57,3 mgN/kg + 152,7 mgP2O5/kg + 34,4 mgK2O/kg đất bầu.

Tỷ lệ che sáng thích hợp cho Kháo vàng giai đoạn 1-6 tháng tuổi là 75% ánh sáng trực xạ, giai đoạn 7 tháng đến 4 năm tuổi là 50%. Lượng N, P và K thích hợp nhất cho sinh trưởng của Kháo vàng giai đoạn 1 tuổi là 57,3 mgN/kg + 76,33 mgP2O5/kg + 34,4 mgK2O/kg đất bầu, giai đoạn 2 tuổi là 76,3 mgN/kg + 114,5 mgP2O5/kg + 45,8 mgK2O/kg đất bầu.

Giáng hương phân bố ở những nơi có nhiệt độ trung bình năm 21,9-26,90C, lượng mưa 1268,3 – 2172,1mm/năm, lượng bốc hơi 867,1 – 1435,5mm/năm, trên đất có hàm lượng các chất dinh dưỡng từ nghèo đến khá. Trong các lâm phần tại vườn quốc gia Yok Don, Giáng hương chiếm ưu thế trong lâm phần; Tỷ lệ che sáng thích hợp cho cây 6 tháng tuổi là 50%, 12 tháng tuổi là 25%, sau đó Giáng hương cần 100% ánh sáng tự nhiên. Lượng chất khoáng thích hợp cho Giáng hương giai đoạn 1 năm tuổi trong vườn ươm là 38,17 mgN/kg đất bầu + 76,3 mg P2O5/kg đất bầu + 22,9 mg K2O/kg đất bầu; giai đoạn 2 năm tuổi là 57,30 mgN/kg đất bầu + 114,5 mg P2O5/kg đất bầu + 45,8 mg K2O/kg đất bầu.

Từ khóa: Dẻ đỏ, Kháo vàng, Giáng hương, đặc điểm sinh lý – sinh thái

ĐẶT VẤN ĐỀ

Dẻ đỏ (Lithocarpus ducampii A.Camus), Kháo vàng (Machilus odoratissima Ness), và Giáng hương (Pterocarpus macrocarpus Kurz) là các loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao đang bị khai phá một cách nghiêm trọng. Cả ba loài đều rất có triển vọng cho các hoạt động trồng phục hồi và làm giàu. Đây cũng là các loài được xác định là ưu tiên cho trồng rừng ở Việt Nam, trong đó, Dẻ đỏ và Kháo vàng là những loài cây gỗ có ý nghĩa cho cải tạo rừng nghèo, Giáng hương là cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao đang bị đe dọa. Một số mô hình trồng phục hồi rừng với ba đối tượng trên đã được xây dựng, song hiểu biết về đặc điểm sinh lý sinh thái của loài còn ít. Do đó, nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý, sinh thái của chúng là cần thiết nhằm cung cấp các thông tin cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật gây trồng và phục hồi rừng cây bản địa.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, trang 324-312)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]