Nghiên cứu chọn các dòng keo và bạch đàn chống chịu bệnh có năng suất cao

Nguyễn Hoàng Nghĩa, Phạm Quang Thu, Nguyễn Văn Chiến

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Các cây trội có sinh trưởng tốt nhất và không bị bệnh trong các rừng trồng bị bệnh đã được tuyển chọn và nhân hom và đưa vào các khảo nghiệm dòng vô tính để chọn ra các dòng kháng bệnh tốt nhất đưa vào trồng rừng.

Khảo nghiệm đầu tiên được xây dựng vào năm 1998 với 49 dòng vô tính của 3 loài Bạch đàn (E. brassiana, E. camaldulensisE. tereticornis) cùng đối chứng là hạt giống E. brassiana. Với mật độ cuối cùng của rừng là 1000 cây/ha (mật độ ban đầu là 1650 cây/ha) thì tăng trưởng bình quân sau 6,2 năm của dòng SM16 là 40 m3/ha/năm và dòng SM23 đạt 35,2 m3/ha/năm. Năm 2005, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã công nhận hai dòng SM16 và SM23 là giống tiến bộ kỹ thuật cho vùng Đông Nam Bộ. Khảo nghiệm với 70 dòng (64 tháng tuổi) có 3 dòng EF24, EF39 và EF55 có mức độ bị bệnh với chỉ số bệnh rất thấp, nhỏ hơn 0,5, hình thân đẹp, tăng trưởng bình quân đạt trên 27 m3/ha/năm. Trên cơ sở hàng chục khảo nghiệm bạch đàn đã được triển khai thực hiện trên khắp cả nước, năm 2007, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã công nhận bốn dòng vô tính bạch đàn là SM7, EF24, EF39 và EF55 là giống tiến bộ kỹ thuật sinh trưởng nhanh và kháng bệnh cho vùng Đông Nam Bộ.

Khảo nghiệm gồm 24 dòng Keo lai được trồng năm 2002, tại Bầu Bàng, Bình Dương trong đó có 8 dòng của do đề tài mới chọn, 14 dòng đã được công nhận và 2 dòng đối chứng cho thấy hai dòng Keo lai là AH7 và AH1 có khả năng sinh trưởng tốt, đạt năng suất trung bình 34,9m3/ha/năm và 30,0m3/ha/năm và không bị bệnh phấn hồng. Sinh trưởng của hai dòng Keo lai AH7 và AH1 tương đương với dòng BV10 và dòng KL14. Khảo nghiệm gồm 26 dòng keo lai được trồng năm 2002, tại Sông Mây, Đồng Nai cũng cho thấy hai dòng Keo lai AH7 và AH1 có khả năng sinh trưởng đạt năng suất trung bình 24,4m3/ha/năm và 23,0m3/ha/năm. Năm 2007, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã công nhận hai dòng Keo lai là AH1 và AH7 là giống tiến bộ kỹ thuật cho vùng Đông Nam Bộ.

Khảo nghiệm gồm 9 dòng Keo lá tràm được trồng năm 2001 tại Sông Mây, Đồng Nai cho thấy sinh trưởng của tất cả các dòng Keo lá tràm sau hơn 5 năm tuổi đều đạt ở mức cao trên 20m3/ha/năm và không bị bệnh phấn hồng, trong đó hai dòng đạt năng suất cao nhất là AA15 và AA9 có sức sinh trưởng đạt 33,6m3/ha/năm và 32,7m3/ha/năm. Khảo nghiệm gồm 13 dòng Keo lá tràm trên lập địa phù sa cổ ở Minh Đức, Bình Phước, cho thấy hai dòng Keo lá tràm sinh trưởng nhanh, thân thẳng, đẹp, không bị bệnh là AA1 và AA9 đạt 25,7m3/ha/năm và 25,3m3/ha/năm. Năm 2007, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã công nhận hai dòng Keo lai là AA1, AA9 và AA15 là giống tiến bộ kỹ thuật cho vùng Đông Nam Bộ.

Từ khóa: Keo, bạch đàn, bệnh

I. MỞ ĐẦU

Giống là bước đột phá trong việc tăng năng suất cây trồng, đặc biệt cho cây lâm nghiệp. Trong giai đoạn 1980-2000, đã có tới 150 xuất xứ của 15 loài bạch đàn được thử nghiệm gây trồng ở Việt Nam. Trong vòng 20 năm (1980- 2000) đã cótrên 20 khảo nghiệm được triển khai, trải dài suốt từ Bắc tới Nam, tại nhiều vùng sinh thái và trên nhiều dạng lập địa khác nhau đã là cơ sở tốt để chọn được các loài và xuất xứ có triển vọng trong toàn quốc và cho từng vùng. Hàng chục loài và gần 100 xuất xứ Keo Acacia vùng thấp đã được quan tâm khảo nghiệm từ những năm 1980. Trong số nhiều loài keo được đưa vào khảo nghiệm thì 3 loài là Keo lá liềm, Keo lá tràm và Keo tai tượng đã chứng tỏ có nhiều xuất xứ đáp ứng được yêu cầu trồng rừng trên diện rộng do có sinh trưởng nhanh và khả năng thích nghi cao. Gần đây Keo lai tự nhiên và nhân tạo cũng đã trở thành cây trồng rừng chủ lực ở nhiều vùng.

(Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ Lâm nghiệp với phát triển rừng bền vững và biến đổi khí hậu, trang 55-67)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]