Một số kết quả nghiên cứu biện pháp kỹ thuật trồng cây Mây nếp (Calamus tetradactylus Hance) ở phía Tây Hà Nội

Lê Văn Thành

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Sau 2,4 năm gây trồng nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng cây Mây nếp (Calamus tetradactylus Hance) ở phía Tây Hà Nội cho thấy: Mây nếp trồng dưới độ tàn che 0,5 có đường kính gốc to hơn trồng dưới độ tàn che 0,3; mức chênh lệch này rất nhỏ (chỉ tính bằng mm). Chiều cao và tỷ lệ đẻ nhánh của cây Mây nếp ở độ tàn che 0,3 cao hơn rõ rệt ở độ tàn che 0,5. Để Mây nếp sinh trưởng nhanh, có tỷ lệ đẻ nhánh cao, khi trồng (dưới 1 năm tuổi) cần có độ tàn che từ 0,4-0,5; khi cây trồng được hơn 1 năm tuổi cần mở tán độ tàn che thích hợp ở mức 0,3. Mây nếp được bón 0,2kg phân NPK/năm (5-10-3) cho sinh trưởng đường kính gốc, chiều cao và tỷ lệ đẻ nhánh cao hơn bón lân và bón đạm. Mây nếp được chăm sóc 4 lần/năm cho sinh trưởng chiều cao và tỷ lệ đẻ nhánh cao hơn rõ rệt Mây nếp được chăm sóc 2 lần/năm.

Từ khóa: Mây nếp, kỹ thuật trồng, độ tàn che, bón phân.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Mây nếp là loài cây cho nguyên liệu quan trọng để sản xuất sản phẩm mỹ nghệ dùng trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm làm từ Mây nếp của nước ta đã được xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ như Châu Âu, Mỹ, Nhật, Singapo, Hồng Kông, Đài Loan, vv. Mỗi năm ước tính nước ta cần khoảng 15.000 tấn mây nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu, chưa kể đến nhu cầu sử dụng ở trong nước (Trần Công Huyền, 2007).

Mấy năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng của cả nước về xuất khẩu hàng thủ công mây tre đan, thành phố Hà Nội mở rộng với khu vực Hà Tây cũ là một trong những trung tâm sản xuất hàng mây tre đan của vùng châu thổ sông Hồng. Năm 2000, toàn tỉnh Hà Tây cũ đã sản xuất được 35.350.000 sản phẩm mây tre đan, kim ngạch xuất khẩu đạt 324.300 USD. Năm 2005 tăng lên 87.950.000 sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt 8.363.000 USD. Như vậy, năm 2005 số sản phẩm hàng mây tre đan của tỉnh Hà Tây cũ tăng gấp 2,5 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gần gấp 26 lần năm 2000. Trái ngược với sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu tăng hàng năm thì nguyên liệu mây song được khai thác ở khu vực Hà Tây cũ lại giảm qua các năm (Niên giám thống kê tỉnh Hà Tây năm 2005). Do đó, nguyên liệu mây cung cấp cho khu vực này hàng năm chủ yếu từ các tỉnh khác về. Điều đó dẫn đến việc chi phí đầu vào cao hơn, thu nhập của người gia công chế biến giảm. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu biện pháp kỹ thuật trồng cây Mây nếp trên điều kiện đất đai phù hợp ở phía Tây Hà Nội đáp ứng nhu cầu nguyên liệu tại chỗ.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010, trang 196-203)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]