Một số đặc điểm quần thể và phân bố loài Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii H.Lec) ở Lâm Đồng

Nguyễn Thành Mến

Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh Lâm Đồng

TÓM TẮT

Thông 2 lá dẹt (Pinus krempfii H.Lec ) là loài thông đặc hữu của Việt Nam và có phân bố tập trung ở vùng Bidoup – Núi Bà, Cổng trời của Lâm Đồng, một số ít ở Chư Yang Sin- Đắc Lắc, Hòn Bà thuộc Khánh Hòa và vùng Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận. Theo tiêu chuẩn phân loại của Sách đỏ Việt Nam loài này được xếp vào cấp V (Vulnerable) – Sẽ nguy cấp ( có thể bị đe dọa tuyệt chủng); và theo tiêu chuẩn IUCN được xếp vào cấp EN (Endanger)- nguy cấp. Ở Lâm Đồng, loài này phân bố tập trung ở những vùng có độ cao từ 1.400 – 1.900m, hiện diện phổ biến trong kiểu rừng lá rộng hỗn giao với cây lá kim và trên dạng địa hình sườn đỉnh. Các quần thể Thông 2 lá dẹt đang tồn tại đa phần ở giai đoạn quá thành thục, nhiều quần thể đã chết mục, một số khác đang trong quá trình chết dần, tỷ lệ cây bị bệnh mục và rỗng ruột chiếm từ 23-36% tổng số cây trong quần thể. Loài này đang trong tình trạng bị đe dọa. Riêng ở Lâm Đồng tuy số lượng cá thể bước đầu đã thống kê được khoảng trên 1.000 cá thể, nhưng chưa phát hiện quần thể nào có trên 250 cá thể trưởng thành. Số cá thể trong quần thể bình quân khoảng 20 cây, hiếm khi có quần thể có số lượng cá thể trưởng thành trên 100 cây. Bên cạnh đó, cấu trúc quần thể gồm nhiều cây thành thục và quá thành thục (đường kính trên 80cm) trong khi lớp cây kế cận thiếu và tình hình tái sinh kém, cho nên khả năng tồn tại của quần thể trong tương lai đang bị đe dọa.

Từ khóa: Cây lá kim, Đặc điểm quần thể, Phân bố, Thông 2 lá dẹt, Sách đỏ Việt Nam.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thông 2 lá dẹt còn có tên khác là Thông Sri, Thông 2 lá giẹp. Tên khoa học là Pinus krempfii H.Lec. tên đồng nghĩa Ducampopinus krempfii (Lec.) A. Chev. thuộc họ Thông (Pinaceae).

Là cây gỗ lớn, chiều cao lên đến 30-35m và thường chiếm tầng trên tán rừng. Đường kính thân lên đến trên 1m, đôi khi đến trên 2m. Thân tròn thẳng, đoạn thân dưới cành lớn, ít cành nhánh phụ, cành thường có màu nâu đỏ. Vỏ màu nâu xám, bong ra dạng vảy. Tán cây thường khá rộng, màu xanh sẫm và có hình rẽ quạt đặc trưng dễ phân biệt với tán các loài mọc chung khác.

Lá tập trung ở đầu cành; mỗi bẹ mang 2 lá, dạng hình lá mác dẹt, nhọn ở đầu, dài từ 7 -12cm, rộng 0,2 – 0,4cm. Nón đơn tính, nón đực hình trụ, nón cái mọc đơn độc, thường hướng xuống dưới, hình trứng, dài 4-9cm, rộng 3-8cm. Khi chín các vảy nón không mở hết đến gốc; vảy lồi, hình thoi với một đường ngang ở giữa, có mào hơi lồi. Hạt nhỏ, hình bầu dục dài, có cánh tròn ở đầu. Mùa quả chín vào tháng 9 – 10.

Đây là loài thông đặc hữu của Việt Nam, được phát hiện tập trung ở Lâm Đồng, một số ít ở Chư Yang Sin- Đắc Lắc, Hòn Bà thuộc Khánh Hòa và vùng Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận. Tại Lâm Đồng, Thông 2 lá dẹt hiện diện chủ yếu trong kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng và lá kim tập trung ở vùng Bidoup – Núi Bà, Cổng Trời và số ít ở Đa Nhim.

Theo tiêu chuẩn phân loại của Sách đỏ Việt Nam loài này được xếp vào cấp V (Vulnerable )- sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng); và theo tiêu chuẩn IUCN được xếp vào cấp EN (Endanger)- nguy cấp.

Qua các nghiên cứu trước đây cho thấy hầu hết các quần thể Thông 2 lá dẹt ở Lâm Đồng có số lượng cá thể ít, trong quần thể tập trung nhiều cây quá thành thục và hụt hẫng số lượng ở các thế hệ kế cận, tình hình tái sinh tự nhiên kém. Bên cạnh đó, không gian sống của loài đang ngày càng thu hẹp do tác động phá rừng, cùng với sự thiếu hụt về các thông tin liên quan cần thiết cho công tác bảo tồn, Thông 2 lá dẹt đang bị đe dọa thực sự trong tương lai gần. Do vậy cần có các nghiên cứu bổ sung về đặc điểm phân bố, cấu trúc quần thể để làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài Thông 2 lá dẹt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng – là địa phương có phân bố tập trung loài này – có hiệu quả hơn.

(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 1, năm 2012, trang 202095-2104)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]