Lập biểu thương phẩm cho một số loài cây khai thác chính rừng thường xanh ở Kon Hà Nừng-Gia Lai

Trần Hồng Sơn
Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới
TÓM TẮT
Thực tế đã có nhiều công trình nghiên cứu lập biểu thể tích cây đứng rừng tự nhiên, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp được về mặt số lượng (tổng thể tích cây đứng – trữ lượng rừng) chưa xác định được chất lượng và giá trị tài nguyên gỗ rừng tự nhiên (thể tích gỗ tròn, thể tích gỗ lớn thân cây). Tồn tại này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do chưa xây dựng được phương pháp điều tra trữ lượng sản phẩm (cốt lõi là lập biểu sản phẩm) cho rừng tự nhiên hỗn loài khác tuổi.Đề tài đã xác lập được phương trình thể tích thân cây, phương trình tính thể tích gỗ dưới cành, phương trình tính thể tích gỗ lớn, phương trình tính thể tích gốc chặt, phương trình tính thể tích gỗ dưới cành lấy ra, phương trình tính thể tích gỗ lớn lấy ra, tương quan giữa thể tích thân cây, thể tích các loại sản phẩm không vỏ và cả vỏ. Các phương trình và tương quan được xây dựng cho 4 loài cây khai thác chính tại rừng thường xanh ở Kon Hà Nừng Gia Lai là Xoay (Dialium cochinchinensis); Trâm trắng (Syzygium wightianum), Trám trắng (Canarium album) và Chay (Artocarpus borneensis).
Từ khoá: Biểu thương phẩm, khai thác chính

MỞ ĐẦU

Trong thực tiễn sản xuất lâm nghiệp, người ta cần biết trữ lượng của rừng khi còn nguyên cây đứng để lập quy hoạch và kế hoạch xây dựng lâm trường, nhà máy, kế hoạch khai thác, nuôi dưỡng rừng. Tùy theo yêu cầu, người ta cần biết không những về trữ lượng tổng quát mà cả trữ lượng theo kích thước cây, hoặc hơn nữa, theo các loại gỗ thương phẩm.Đối với cây đã ngả, ta có thể đo chiều dài, đường kính giữa cây và đường kính ở bất cứ vị trí nào để tính chính xác thể tích thân cây và các hạng gỗ có thể lấy ra, nhưng ở cây đứng, chỉ có thể đo chính xác được đường kính của phần dưới cây, có thể đo được chiều cao nhưng kém chính xác, nhất là đối với cây lá rộng của rừng nhiệt đới, vì rất khó xác định đỉnh ngọn cây. Đo đường kính giữa thân cây lại càng khó hơn.

Do vậy, để xác định trữ lượng cây đứng, cần lập những bảng biểu đặc biệt để xác định thể tích và độ thon của thân cây qua một hoặc một số nhân tố có thể đo được ở cây đứng như đường kính ở phần dưới thân cây; chiều cao vút ngọn.Thực tế đã có nhiều công trình nghiên cứu lập biểu thể tích cây đứng rừng tự nhiên, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp được về mặt số lượng (tổng thể tích cây đứng – trữ lượng rừng) chưa xác định được chất lượng và giá trị tài nguyên gỗ rừng tự nhiên (thể tích gỗ tròn, thể tích gỗ lớn thân cây).

Từ đó việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, định giá rừng, quy hoạch phát triển… của các cơ quan quản lý cũng như các chủ rừng thiếu căn cứ. Tồn tại này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do chưa xây dựng được phương pháp điều tra trữ lượng sản phẩm (cốt lõi là lập biểu sản phẩm) cho rừng tự nhiên hỗn loài khác tuổi.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]