Hội thảo tổng kết dự án “Mở rộng hệ thống truy xuất thông minh nguồn gốc gỗ hợp pháp (iTwood) cho gỗ rừng trồng hộ gia đình để hỗ trợ triển khai Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS”

Truy xuất nguồn gốc và quản lý gỗ hợp pháp là một yêu cầu nghiêm túc và chính đáng của thị trường gỗ và sản phẩm gỗ, nhằm tăng cường thực thi Luật lâm nghiệp; Quản trị rừng; và Thương mại lâm sản. Mục đích quan trọng là tạo ra gỗ “sạch” đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc và quản lý gỗ hợp pháp cho toàn bộ chuỗi cung và thúc đẩy quản lý rừng bền vững. Nó đã trở thành một xu hướng của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm mục đích nói không với gỗ bất hợp pháp.

Vì vậy, Chương trình FAO EU FLEGT thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch hành động FLEGT đã hỗ trợ thực hiện dự án, giai đoạn 2019 – 2021. Đến nay, dự án đã hoàn thành các mục tiêu và sản phẩm được đặt hàng của cơ quan chủ quản (Bộ NN&PTNT) và Chương trình FAO-EU_FLEGT.
Ngày 27/9/2021, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp và Chương trình FAO EU FLEGT đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án sau gần 2 năm thực hiện. Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào 04 vấn đề:

Chia sẻ kết quả của dự án – Hệ thống iTwood nâng cấp
Đánh giá thuận lợi và thách thức triển khai thử nghiệm trong thực tế
Đánh giá những điểm mới/tiềm năng của Hệ thống iTwood trong tương lai
Đề xuất khuyến nghị giải pháp nhân rộng, phát triển Hệ thống iTwood nâng cấp

Theo Hiệp định EVFTA, về sản phẩm gỗ và đồ gỗ xuất sang thị trường châu Âu, Điều 13.8 nêu rõ gỗ phải có nguồn gốc từ những khu rừng có phương án quản lý bảo vệ rừng và được khai thác phù hợp với luật pháp trong nước; và theo cam kết trong Hiệp định VPA, những nguyên tắc bảo đảm gỗ hợp pháp, gồm: Đất rừng có chủ hợp pháp và không có mâu thuẫn, tranh chấp; Tuân thủ theo đúng quy định về khai thác, sử dụng gỗ rừng trồng sản xuất; Có khai báo đối với rừng do nhà nước đầu tư, khoán, kinh doanh, bảo vệ; Có hợp đồng mua bán gỗ và có bảng kê; Có lập hồ sơ rừng và lâm sản tại đơn vị hoặc tại gia đình; Tuân thủ về xã hội, môi trường và nộp thuế theo quy định. Các yêu cầu trên đều được báo cáo, giải trình và xác minh. Kết quả của hội thảo đã chỉ rõ, Hệ thống iTwood có khả năng giúp cho quá trình này bảo đảm nhanh, chính xác và minh bạch. Hệ thống iTwood được xây dựng để đảm bảo những yêu cầu và cam kết trên được thực thi một cách toàn vẹn nhất.

iTwood đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số trong việc quản lý gỗ hợp pháp theo chuỗi cung, giúp số hóa hồ sơ gỗ đảm bảo yêu cầu hợp pháp. Hệ thống có thể dễ dàng xác minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ rừng trồng bằng mã QR, ngay cả trước khi gỗ đi vào chuỗi cung có nhiều giao dịch trung gian. Hồ sơ giao dịch gỗ cũng sẽ được số hóa bằng công nghệ mã QR giúp giảm tải thời gian xử lý và xác minh giao dịch giữa các bên, nhờ đó, iTwood cũng được coi như một nền tảng thông tin về kinh doanh gỗ thương mại điện tử, kết nối nhu cầu với nguồn cung gỗ trồng của hộ gia đình.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của hơn 120 điểm cầu trên toàn quốc, là đại diện của các cơ quan và tổ chức như Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh (Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, …), Hội Nông dân, BQL Dự án Lâm nghiệp, các tổ chức Phi Chính Phủ, BQL RPH các tỉnh (Huế, …), UBND các xã Hùng Lợi, Trung Sơn; các chuyên gia từ các Trường đại học và Viện nghiên cứu, …

Kết luận Hội thảo, GS. TS Võ Đại Hải, giám đốc Viện KHLNVN nhấn mạnh xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành lâm nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, Hệ thống iTwood là một giải pháp công nghệ phục vụ cho Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS. Kết quả Dự án đã bước đầu xây dựng được nền tảng cơ bản có khả năng ứng dụng cao, cần hoàn thiện hơn nữa để Hệ thống được áp dụng vào thực tiễn với quan điểm vừa nghiên cứu vừa triển khai ứng dụng để phát huy nhanh nhất kết quả nghiên cứu vào thực tế kinh doanh rừng trồng tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]